Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 5

* THÁNH STÊPHANÔ CHỊU TỬ ĐẠO;
 * KINH TIN KÍNH;
 * CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ CHIA TAY ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG

 Thánh Stêphanô, một trong bảy mươi hai môn đệ, là một trong số các thánh đặc biệt may mắn được hưởng gấp bội tình thương của Mẹ Maria. Ngay từ khởi đầu thánh Stêphanô theo Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria nhìn thánh nhân với lòng yêu thương đặc biệt. Mẹ Maria nhìn thấy ngay thánh Stephanô được Thầy hằng sống chọn để bảo vệ vinh dự và thánh danh Chúa. Mẹ cũng thấy trước thánh Stêphanô sẽ hy sinh mạng sống vì Chúa. Hơn nữa thánh Stêphanô anh dũng này tính tình hiền hòa. Ngài được các hiệu lực ân sủng làm cho trở nên thuận thảo ngoan ngoãn hơn đối với mọi sự thiêng liêng. Những tính tình như thế làm cho thánh Stêphanô được Đức Hiền Mẫu quí mến. Thường khi nào thấy bất cứ ai có tính tình hiền hoà khiêm nhượng, Mẹ nói những người đó giống Thiên Chúa Con Mẹ. Vì lý do này và các nhân đức anh hùng của thánh Stêphanô, Mẹ Maria yêu thương ngài, xin cho ngài được nhiều hồng ân, tạ ơn Chúa đã tạo dựng, đã gọi và chọn ngài làm một trong những trái đầu mùa các thánh tử đạo của Chúa. Khi nghĩ đến việc tử đạo sắp xảy ra cho thánh Stêphanô như Chúa cho biết, Mẹ càng tăng thêm yêu thương ngài.

 Thánh Stêphanô đáp ứng cách ân cần trung tín, kính trọng sâu xa các hồng ân được Chúa Cứu Thế và Thánh Mẫu ban cho. Trái tim ngài không những chỉ hiền lành mà còn khiêm nhượng. Thánh Stêphanô luôn ấp ủ những ý niệm cao cả nhất liên quan tới Đức Hiền Mẫu từ bi, với lòng quí trọng và nhiệt thành tận hiến, ngài tiếp tục tìm kiếm sự ưu ái của Đức Hiền Mẫu. Thánh Stêphanô hỏi Mẹ Maria về nhiều vấn đề huyền nhiệm. Ngài rất khôn ngoan, đầy ơn Chúa Thánh Thần và đức tin mạnh mẽ, như thánh Luca kể lại. Mẹ Maria giải đáp mọi điều thánh Stêphanô hỏi, khuyến khích thúc đẩy ngài nhiệt thành hoạt động làm vinh danh Chúa Cứu Thế. Để củng cố đức tin mạnh mẽ của thánh Stêphanô hơn nữa, Mẹ Maria báo trước cho ngài biết cuộc tử đạo sắp tới: “Stêphanô, con được Thiên Chúa Con Mẹ ấn định: con sẽ là vị tử đạo đầu tiên theo gương cái chết của Chúa Cứu Thế. Con sẽ theo dấu chân Ngài, như đệ tử được đặc ân nối gót Thầy mình, như người chiến sĩ anh dũng theo gót vị chỉ huy. Con sẽ mang cờ Thánh Giá đi đầu đoàn quân tuẫn đạo. Điều cần thiết là con trang bị chính con bằng lòng dũng cảm kiên trì núp dưới khiên thuẫn đức tin, con cần vững tin sức mạnh của Đấng Tối Cao ở với con trong cuộc chiến đó.”

 Lời báo trước này của Mẹ Maria là lửa bừng bừng khao khát phước tử đạo đốt cháy trái tim thánh Stêphanô. Như được ghi trong Tông Đồ Công Vụ, thánh Stêphanô được đầy thánh sủng và ơn kiên cường. Ngài đã làm nhiều phép lạ tại Jerusalem. Ngoài hai thánh Tông Đồ Phêrô và Gioan, không vị nào khác trừ thánh Stêphanô đã tranh luận với các người thượng lưu Do Thái tại Jerusalem. Những người đó không thể chống lại sự khôn ngoan và tinh thần của thánh Stêphanô vì ngài rao giảng cho họ với trái tim bốc lửa và dũng cảm. Ngài thường can đảm bác bẻ, lên án họ hơn so với các môn đệ khác (Tđcv 68:9). Thánh Stêphanô làm những việc này với lòng nồng nàn khao khát phước tử đạo mà ngài đã được Mẹ Maria cho biết. Chẳng khác gì sợ người khác được triều thiên tử đạo trước, ngài xung phong trước mọi người khác tranh luận với các tư tế, các thầy dạy luật Maisen. Ngài nhiệt tâm bảo vệ danh dự Chúa Kitô, mà ngài biết mình sẽ hiến dâng sinh mạng vì Chúa. Lucifer mỗi ngày mỗi chăm chú theo dõi lòng nhiệt thành của thánh Stêphanô. Nó trực tiếp hướng sự chú ý hiểm độc vào thánh nhân. Để tiêu diệt thánh Stêphanô, Lucifer xúi giục những người Do Thái cứng lòng nhất tìm cách âm thầm giết ngài.  Nhưng thánh Stêphanô không vì lý do đó xao lãng việc rao giảng và tranh luận với những người Do Thái cứng lòng. Vì không thể âm thầm giết ngài, cũng không thể công khai thắng được sự khôn ngoan của ngài, họ dồn mọi nỗ lực căm thù vào việc tìm chứng gian chống lại ngài (Tđcv 6:1). Họ cáo buộc thánh Stêphanô lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa và ông Maisen, buộc tội ngài liên tục công kích đền thờ và Luật Maisen, buộc tội ngài quả quyết rằng Đức Giêsu sẽ phá hủy đền thờ này, như đền thờ cũ đã bị phá hủy. Vì các nhân chứng lớn tiếng vu khống, dân chúng bị khích động vì những gian dối của chúng, họ đưa thánh Stêphanô vào sảnh đường nơi các tư tế tụ họp sẵn để xét xử những lời cáo buộc này. Vị chánh án trước hết bắt thánh Stêphanô đứng trước toà án. Thánh Stêphanô nắm lấy cơ hội này để minh chứng Chúa Kitô đích thực là Đấng Thiên Sai đã được hứa cho dân Do Thái trong Sách Thánh. Để kết luận, ngài hùng hồn quở trách họ vì tội cứng lòng không tin và trái tim chai đá đến độ họ không thể tìm được lời đáp lại, họ nghiến răng bịt tai để khỏi phải nghe các lời thánh Stêphanô quở trách.

 Mẹ Maria biết trước việc bắt giữ thánh Stêphanô. Mẹ lập tức gởi một trong các thiên thần đến khuyến khích thánh nhân trước khi ngài khởi đầu tranh luận với các tư tế Do Thái. Qua thiên thần này thánh Stêphanô gởi về Mẹ rằng ngài hân hoan đi tuyên xưng Thầy chí thánh, và với trái tim không nao núng ngài đi để hiến dâng mạng sống mình cho Chúa, như ngài hằng ước nguyện. Cũng qua vị thiên sứ này, thánh Stêphanô xin Mẹ Maria, là Thầy và Hiền Mẫu hết sức nhân từ của ngài, giúp đỡ và xin Mẹ gởi cho ngài phép lành của Mẹ. Điều tiếc nuối duy nhất lúc này của thánh Stêphanô là lúc ra đi để dâng hiến mạng sống như lời Mẹ báo, ngài không thể lãnh nhận phép lành của Mẹ. Những lời sau cùng này của thánh Stêphanô làm cho tình yêu thương hiền mẫu của Mẹ Maria xúc động mãnh liệt hơn và quí mến hơn. Mẹ muốn đích thân tới giúp đỡ thánh Stêphanô vào giờ phút người môn đệ yêu dấu sắp sửa hiến dâng mạng sống mình để vinh danh, bênh vực Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế của mình. Nhưng Mẹ Maria lưỡng lự giữa những trở ngại có thể gây ra trong việc Mẹ đi qua đường phố Jerusalem trong lúc quần chúng dao động và việc Mẹ muốn có cơ hội nói trực tiếp với thánh Stêphanô.

 Mẹ Maria phủ phục trên đất xin Chúa ban đặc ân cho người môn đệ yêu quí. Mẹ dâng lên Chúa ước nguyện giúp đỡ thánh Stêphanô trong giờ phút cuối cùng của ngài. Chúa vô cùng nhân từ luôn sẵn sàng thoả mãn ước nguyện của Đức Hiền Mẫu yêu dấu. Chúa phái nhiều thiên thần từ thiên đàng tới để cùng với các thiên thần hộ vệ đưa Mẹ tới nơi thánh Stêphanô. Các ngài đưa Mẹ Maria tới nơi vị thượng tế đang xem xét các tội cáo buộc thánh Stêphanô. Chỉ một mình thánh Stêphanô thấy Mẹ Maria trên đám mây rực rỡ. Đặc ân ngoại lệ này lại làm bốc cháy lửa yêu mến Chúa và lòng khao khát mãnh liệt chức vô địch trong việc làm vinh danh Thiên Chúa. 

 Lúc cuối buổi hội kiến này, qua lời Mẹ Maria cầu bầu mà cũng là phần thưởng cho lòng nhiệt thành vô địch của thánh Stêphanô, cửa thiên đàng mở ra và Chúa Cứu Thế hiện ra, Chúa đứng bên hữu Thiên Chúa Cha, trong cử chỉ giúp đỡ thánh Stêphanô trong cuộc chiến đấu này. Thánh Stêphanô ngước nhìn lên và lớn tiếng nói: “Chú ý này, tôi thấy các tầng trời rộng mở và vinh quang thiên đàng, trong đó tôi thấy Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa Cha” (Tđcv 7:55). Nhưng do lòng xảo trá bội bạc ngoan cố của những người chống đối, họ cho những lời này là lộng ngôn phạm thượng, bịt tai để khỏi nghe những lời thánh Stêphanô nói. Họ kết án ngài lộng ngôn phạm thượng mà theo luật thì phải bị ném đá chết. Như lũ sói vây quanh thánh Stêphanô, họ cuồng bạo lôi ngài ra khỏi thành. Chính lúc này Mẹ Maria âu yếm an ủi và ban phép lành cho thánh Stêphanô. Mẹ ký thác cho các thiên thần an ủi hộ vệ ngài và tiễn dẫn linh hồn ngài tới trước toà Thiên Chúa Tối Cao.

 Trở lại nhà Tiệc Ly, Mẹ Maria nhìn thấy mọi việc xảy ra trong cuộc tử đạo của thánh Stêphanô. Bọn người lang sói vội vã, tàn bạo lôi ngài đi, vừa đi chúng vừa lớn tiếng la ngài là kẻ lộng ngôn phạm thượng đáng phải chết. Chàng thanh niên Saolê (thánh Phaolô sau này) ở trong bọn họ, giữ áo cho những người hành quyết vị đệ nhất tử đạo. Đá ném như mưa trút vào thánh Stêphanô, một vài cục đá cắm sâu vào đầu và nhuốm máu thánh tử đạo. Lòng trắc ẩn của Mẹ Maria hết sức lớn lao sâu sắc trước cuộc tử đạo dữ dằn này, nhưng niềm vui mừng của Mẹ còn vĩ đại hơn khi thấy thánh Stêphanô đương đầu với cực hình đó cách vẻ vang. Từ nguyện phòng, Đức Hiền Mẫu Maria không ngừng cầu nguyện cho thánh Stêphanô. Khi vị tử đạo kiêu dũng vô địch thấy mình sắp trút hơi thở cuối cùng, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa xin đón nhận linh hồn con!” Kế đó, thánh Stêphanô quì gối lớn tiếng cầu xin: “Lạy Chúa xin đừng phạt họ vì tội này!” (Tđcv 6:55). Mẹ Maria hết sức hoan hỉ khi thấy người môn đệ trung tín bắt chước cặn kẽ Thầy chí thánh bằng việc cầu nguyện cho kẻ thù, cho những người hành hình mình, phó linh hồn trong tay Đấng Tạo Thành và Chúa Cứu Thế. Thánh Stêphanô tắt thở; các thiên thần hộ vệ Mẹ Maria đưa linh hồn trinh trong của ngài đến trước tòa Thiên Chúa để được đội triều thiên vinh quang đời đời. 

Thánh Luca kể cũng trong ngày thánh Stêphanô bị ném đá, một cuộc đàn áp lớn lao nổi lên chống lại Giáo Hội tại Jerusalem. Thánh Luca đặc biệt nhắc tới việc Saolê tàn phá Giáo Hội, lục soát khắp Jerusalem tìm bắt, tố cáo các tín hữu Chúa Kitô trước quan tòa. Saolê đã truy lùng, bắt giữ và cáo nộp nhiều tín hữu. Nhiều tín hữu bị bắt, bị hành hạ và bị giết trong cuộc đàn áp này.

 Đức Hiền Mẫu biết chẳng bao lâu nữa các thánh Tông đồ sẽ phải đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng, thiết lập Giáo Hội. Điều hết sức cần thiết là tất cả mọi người hợp nhất về tín lý mà mọi sự toàn hảo lành thánh trong cuộc sống Kitô hữu sẽ phải được xây dựng trên đó. Mẹ Maria muốn thấy mọi mầu nhiệm linh thánh, mà các thánh Tông Đồ phải rao giảng và các tín hữu tin, được đúc thành một tuyên ngôn vắn tắt. Nếu các chân lý này, được đúc gọn thành chỉ một vài điều ngắn gọn dễ nhớ, toàn thể Giáo Hội sẽ được hợp nhất trong niềm tin thuần nhất không chút khác biệt căn bản, mà toàn thể công trình xây dựng tinh thần Phúc Âm sẽ căn cứ vào, được xây dựng trên cùng một nền tảng. Mẹ Maria biết rõ tầm quan trọng của đại cuộc này. Mẹ dâng điều Mẹ ước nguyện lên Chúa, Đấng đã gợi các ý đó, suốt hơn bốn mươi ngày Mẹ kiên trì cầu nguyện, ăn chay, phủ phục trên đất và các thực hành thánh đức. Đáp lời Mẹ Maria, Chúa hứa hỗ trợ các Tông Đồ chuẩn bị tuyên ngôn các tín điều. Chúa cho Mẹ biết từng lời thuộc các tín điều trong kinh Tin Kính. Mẹ Maria thấu triệt mọi tín điều, như được giải thích tường tận hơn trong phần hai chương này. 

Chúa soi dẫn thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng, và các thánh Tông Đồ khác lòng ước ao thiết lập một tuyên ngôn đức tin chung của toàn thể Giáo Hội. Các thánh Tông Đồ hội ý với Mẹ Maria về thời điểm thích hợp và các điều phải áp dụng cho mục đích này. Các thánh Tông Đồ quyết định ăn chay, kiên trì cầu nguyện suốt mười ngày để được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trong công cuộc khó khăn trọng đại này. Sau khi hoàn tất mười ngày ăn chay cầu nguyện, mà cũng là mười ngày cuối cùng của bốn mươi ngày Mẹ Maria cầu xin Chúa về mục đích này, mười hai thánh Tông Đồ hội họp trước sự hiện diện của Mẹ Maria, và thánh Phêrô tuyên bố như sau:

 

 ”Anh em thân mến, do lòng nhân từ và công nghiệp vô cùng của Chúa Cứu Thế, Chúa Giêsu Chúa chúng ta, Thiên Chúa vô cùng thương xót đã ưu ái Giáo Hội Chúa bằng việc vẻ vang gia tăng số con cái, như chúng ta chứng kiến trong thời gian ngắn ngủi này. Vì mục đích này, Thiên Chúa Toàn Năng ban nhiều gấp bội các phép lạ, những điều phi thường, và hàng ngày canh tân các việc đó qua chúng ta. Mặc dầu chúng ta bất xứng, Chúa đã chọn chúng ta làm khí cụ của thánh ý Chúa trong công cuộc làm vinh hiển thánh danh Ngài. Cùng với các đặc ân ưu ái này, Chúa đã gởi tới cho chúng ta những khổ cực vất vả, những đàn áp từ phía ma quỉ và thế gian, ngõ hầu chúng ta có thể bắt chước Chúa Cứu Thế, Thủ Lãnh của chúng ta, và để Giáo Hội, được thăng bằng, có thể an toàn hơn tới bến an nghỉ hạnh phúc vĩnh cửu. Các môn đệ tránh cơn cuồng nộ của thượng tế đã phân tán đi khắp các thành lân cận, rao giảng lòng tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Chúng ta cũng sẽ sớm ra đi rao giảng khắp thế giới, theo lời Chúa truyền trước khi ngự về trời (Mt 28:19).”

 ”Vì chỉ có một Nhiệm Tích Thanh Tẩy qua đó người ta nhận được đức tin vào Chúa Kitô, nên cần phải có chỉ một giáo lý, mà các tín hữu tin theo. Vì thế thiệt là thích hợp và chính đáng, hôm nay chúng ta tụ họp tâm đồng ý hợp trong Chúa, minh xác các chân lý và mầu nhiệm mà chúng ta phải đưa ra cách minh bạch rõ ràng cho mọi quốc gia dân tộc khắp thế giới cùng tin một giáo lý như nhau không chút dị biệt. Chính lời hứa bất khả ngộ của Chúa, nơi nào hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ngài, Ngài sẽ ở giữa họ (Mt 18:20). Tin vào lời Chúa, chúng ta trông cậy vững vàng lúc này Chúa vui lòng ban cho chúng ta ơn Chúa Thánh Thần để nhân danh Chúa và do một quyết định bất di bất dịch minh định rõ ràng các điều phải được thiết lập trong Giáo Hội Chúa tồn tại cho tới tận thế.”

 Tất cả các thánh Tông Đồ đồng ý đề nghị của thánh Phêrô. Kế đó thánh Phêrô cử hành Thánh Lễ, ngài trao Thánh Thể Chúa cho Mẹ Maria và các Tông Đồ. Ngay sau đó tất cả mọi người, gồm cả Đức Hiền Mẫu, phủ phục cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Sau khi liên tục cầu nguyện được một lúc, mọi người nghe tiếng sấm chuyển động, y như trong lần đầu tiên Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tín hữu. Đồng thời toàn thể Nhà Tiệc Ly chan hòa ánh sáng, mọi người được đầy ơn Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria yêu cầu mỗi thánh Tông Đồ, theo ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, minh định một tín điều. Theo lời Mẹ Maria, thánh Phêrô bắt đầu và các Tông Đồ nối tiếp tuyên xưng như sau:

 

 1. Thánh Phêrô: Tôi tin Thiên Chúa, Ngôi Cha toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất.

 2. Thánh Andrê: Và Chúa Giêsu Kitô, Con Một (của) Thiên Chúa Cha, Chúa chúng ta.

 3 và 4. Thánh Giacôbê Cả: Ngài được dựng thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria.

 5. Thánh Gioan: Ngài chịu khổ hình dưới thời Pontiô Philatô, chịu đóng đanh, chết và được mai táng.

 6 và 7. Thánh Tôma: Ngài xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba từ trong kẻ chết sống lại.

 8. Thánh Giacôbê Thứ: Ngài lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha toàn năng.

 9. Thánh Philiphê: Ngài sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

 10. Thánh Bathôlomêô: Tôi tin Chúa Thánh Thần.

 11. Thánh Matthêu: Tôi tin Hội Thánh Công Giáo, tôi tin Sự Hiệp Thông các thánh.

 12. Thánh Simon: Tôi tin Phép Tha Tội.

 13. Thánh Thađêu: Tôi tin thân xác loài người sẽ sống lại.

 14. thánh Mathia: Tôi tin cuộc sống vĩnh cửu. Amen.

 Các thánh Tông Đồ lập Tuyên Ngôn Đức Tin này, mà chúng ta thường gọi là Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ, sau cuộc tử đạo của thánh Stêphanô và trước ngày cuối cùng năm thứ nhất sau Cuộc Tử Nạn của Chúa Cứu Thế. Về sau, để bác bẻ nhóm dị giáo Arian và các nhóm khác, Giáo Hội, trong các công đồng nhóm vì mục đích đó, đã giải thích cặn kẽ hơn các mầu nhiệm gồm trong Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ và thiết lập Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng trong Thánh Lễ ngày nay. Nhưng bản chất của cả hai cùng là một, y hệt và gồm mười bốn điều, là căn bản cho việc giảng dạy đức tin vào Chúa Kitô và là những điều chúng ta buộc phải tin để được cứu rỗi.

 Ngay khi các thánh Tông Đồ tuyên xưng Kinh Tin Kính, Chúa Thánh Thần chấp nhận việc tuyên xưng đức tin mà mọi người hiện diện nghe rõ ràng: “Các con đã quyết định đúng.” Khi đó Mẹ Maria cùng với các thánh Tông Đồ tạ ân Thiên Chúa. Mẹ cũng cám ơn các thánh Tông Đồ vì đã xứng đáng được ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, để có thể là công cụ hữu hiệu của Chúa trong việc làm vinh danh Chúa và tăng thêm lợi ích cho Giáo Hội. Để minh xác lòng tin và làm gương cho các tín hữu, Mẹ Maria quì nơi chân thánh Phêrô, lớn tiếng tuyên xưng điều Mẹ tin nơi giáo lý Giáo Hội Công Giáo như được bao gồm trong Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ vừa mới thiết lập. Mẹ Maria làm việc này cho chính Mẹ và nhân danh toàn thể các tín hữu. Mẹ nói với thánh Phêrô: “Thưa chúa công, người mà tôi nhìn nhận là Đại Diện toàn quyền Con cực thánh của tôi, trong tay ngài, tôi, một con trùng hèn hạ, nhân danh tôi và nhân danh tất cả mọi tín hữu trong Giáo Hội, tuyên xưng và chính thức nhìn nhận mọi điều ngài đưa ra là chân lý linh thánh và bất khả ngộ của Giáo Hội Công Giáo; trong đó tôi chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa Tối Cao, Đấng ban Tuyên Ngôn Đức Tin này.” Mẹ Maria hôn tay thánh Phêrô, Vị Đại Diện Chúa Kitô, và tất cả các thánh Tông Đồ. Như thế, Mẹ Maria là Người đầu tiên công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo ngay sau khi đức tin được đúc thành các điều khoản trong Kinh Tin Kính.

 Đã tròn một năm kể từ Cuộc Tử Nạn của Chúa Cứu Thế. Bây giờ, các thánh Tông Đồ, do ơn Chúa thúc đẩy, bắt đầu cân nhắc việc tung ra đi rao giảng tin mừng Ơn Cứu Chuộc cho khắp thế giới. Vì đã đến thời điểm thánh danh Thiên Chúa phải được rao giảng cho các dân ngoại, đến lúc muôn dân phải được giảng dạy cho biết đường cứu rỗi đời đời. Để xin thánh ý Thiên Chúa trong việc chỉ định các quốc gia, tỉnh thành mà mỗi vị có nhiệm vụ tới rao giảng, các thánh Tông Đồ, theo lời khuyên của Mẹ Maria, quyết định ăn chay cầu nguyện liên tục mười ngày. Việc thực hành ăn chay cầu nguyện mười ngày đã được các thánh Tông Đồ thực hành ngay sau khi Chúa về thiên đàng để chuẩn bị đón Chúa Thánh Thần ngự đến, từ đó về sau các thánh Tông Đồ giữ việc ăn chay cầu nguyện mười ngày để chuẩn bị các ngài trước những việc quan trọng. Sau khi hoàn tất mười ngày ăn chay cầu nguyện, Vị Đại Diện toàn quyền của Chúa Kitô cử hành Thánh Lễ, trao Thánh Thể Chúa cho Mẹ Maria và mười một Tông Đồ kia, như các ngài đã thực hiện khi chuẩn bị Kinh Tin Kính. Sau Thánh Lễ mọi người hợp nhất với Đức Nữ Vương cầu nguyện sốt sắng một lúc lâu nữa, tha thiết xin Chúa Thánh Thần cho biết thánh ý Chúa trong việc này.

 Khi buổi cầu nguyện chấm dứt, một làn ánh sáng lạ phủ xuống Nhà Tiệc Ly bao bọc mọi người và tiếng Chúa phán: “Đại Diện Toàn Quyền Phêrô của Ta sẽ chỉ định địa phương hoạt động cho từng người. Ta sẽ quản trị và hướng dẫn Phêrô bằng ơn soi sáng và thần trí của Ta.” Chúa Thánh Thần dành cho thánh Phêrô việc chỉ định các nhiệm sở cho các thánh Tông Đồ ngõ hầu tái xác nhận quyền hành ngài là thủ lãnh và mục tử toàn thể Giáo Hội khắp thế giới. Cũng để các thánh Tông Đồ có thể hiểu rằng Giáo Hội phải được thiết lập trên khắp thế giới dưới quyền lãnh đạo của thánh Phêrô và các đấng kế vị, mà toàn thể Giáo Hội phải tuân phục vì là Đại Diện Toàn Quyền của Chúa Kitô. Các thánh Tông Đồ được ban cho ơn soi sáng hiểu biết mới liên quan đến các điều kiện hoàn cảnh, bản chất, phong tục tập quán tại các nước được trao cho từng vị trách nhiệm. Thiên Chúa ban cho các ngài ơn kiên cường mới để đương đầu với mọi khổ cực, sự nhanh nhẹn dẻo dai để khắc phục đường xa, mặc dầu các ngài thường được các thiên thần trợ lực khi vượt vạn dặm.

 Mẹ Maria thấy và hiểu hết sức tường tận các việc làm của quyền năng Thiên Chúa nơi các thánh Tông Đồ cũng như nơi Mẹ. Trong dịp này, Mẹ thụ lãnh các đặc ân Thiên Chúa nhiều hơn tất cả các thánh Tông Đồ cộng chung lại. Vì Mẹ được tôn lên địa vị cao sang tuyệt vời trên hết mọi thụ tạo, sự gia tăng các ân sủng nơi Mẹ cũng theo tỉ lệ thuận đó, vượt quá mọi ân sủng được ban cho các người khác. Thiên Chúa canh tân nơi linh hồn cực trinh trong của Thánh Mẫu Chúa ơn hiểu biết sâu xa liên quan đến mọi thụ tạo, đặc biệt là các quốc gia và dân tộc được chỉ định cho các thánh Tông Đồ. Mẹ hiểu biết tường tận tất cả mọi điều mà từng vị Tông Đồ biết và tất cả cộng chung lại. Mẹ hiểu biết riêng rẽ về từng người mà đức tin vào Chúa Kitô sẽ được rao giảng cho. 

 Mẹ Maria có kiến thức của Bậc Thầy siêu đẳng, của Hiền Mẫu Giáo Hội mà Thiên Chúa Toàn Năng đặt trong tay Mẹ. Mẹ phải săn sóc tất cả, từ những thánh nhân nhất đẳng tới những người khiêm nhượng nhất, và tất cả những kẻ tội lỗi con cháu Evà. Không ai nhận được ân sủng hoặc đặc ân nào từ Chúa mà không qua Mẹ Maria, vì thế Đấng Ban Phát các ân sủng của Chúa cách thành tín nhất phải biết mọi thành viên trong gia đình Người, những người mà Mẹ trông coi với tư cách là Hiền Mẫu yêu thương! Mẹ thấy hiện rõ trước mắt mọi vất vả khổ cực, những nguy hiểm, những tấn công từ ma quỉ chống lại các thánh Tông Đồ, môn đệ và mọi tín hữu. Để giúp đỡ mọi người, Mẹ dâng lên Chúa mọi lời khẩn nguyện của các ngài kết hiệp với lời cầu nguyện của Mẹ; hoặc giúp đỡ các ngài qua các thiên thần. Mẹ đã giúp đỡ con cái Mẹ bằng tất cả các phương cách khác nhau. Mẹ Maria biết các sự việc qua các hình ảnh Mẹ thấy; Mẹ cũng có sự hiểu biết khác nữa trong chính Thiên Chúa về mọi việc do các thị kiến huyền nhiệm. Khi Mẹ nhìn thấy trong Chúa các gian khổ của các thánh Tông Đồ và của tất cả các tín hữu, Mẹ Maria cũng chịu ảnh hưởng cảm giác buồn sầu thống khổ đó.

 Một vài ngày sau việc qui nhiệm sở khắp thế giới giữa các thánh Tông Đồ, các ngài bắt đầu rời khỏi Jerusalem, đặc biệt những vị được chỉ định các tỉnh thành xứ Palestine, mà trước nhất là thánh Giacôbê Cả. Các vị khác lưu lại Jerusalem lâu hơn, vì Chúa muốn đức tin được dồi dào rao giảng tại Jerusalem và dân Do Thái được kêu gọi trước những người khác, nếu họ sẵn sàng đón nhận lời mời vào dự tiệc Phúc Âm. Dân Do Thái được đặc biệt ưu ái nhất trong Ơn Cứu Chuộc, mặc dầu họ bội bạc bất trung hơn các dân ngoại. Sau đó các thánh Tông Đồ dần dần ra đi tới những quốc gia được chỉ định, tùy theo thời gian, thời tiết và vì đức vâng lời đối với Ơn Chúa Thánh Thần, theo lời Mẹ Maria chỉ dạy, và lệnh của thánh Phêrô. Trước khi rời khỏi Jerusalem từng vị Tông Đồ đã viếng các thánh địa Ơn Cứu Chuộc, như Vườn Cây Dầu, Đồi Golgotha, Mồ Thánh, nơi Chúa Ngự Về Trời, làng Bethania và các địa điểm đáng ghi nhớ khác có thể được. Tất cảc các thánh Tông Đồ đều tỏ lòng tôn kính yêu mến lạ lùng đối với chính những nơi Chúa Giêsu đã đặt chân tới. Kế đến các ngài tới viếng Nhà Tiệc Ly, tôn kính chính nơi biết bao nhiêu việc huyền nhiệm lạ lùng đã xảy ra. Tại Nhà Tiệc Ly, lần nữa các thánh Tông Đồ lại xin Mẹ Maria bảo vệ, và từ biệt Đức Hiền Mẫu.

 Mỗi thánh Tông Đồ được Mẹ Maria đan cho một chiếc áo dài giống như áo Chúa Kitô Chúa chúng ta, cũng mầu nâu pha xám tro; để dệt những áo này Mẹ đã yêu cầu các thiên thần phụ giúp. Mẹ cung cấp cho mỗi thánh Tông Đồ y phục cùng loại và giống hệt y phục Chúa Giêsu đã mặc trước kia; Mẹ muốn các thánh Tông Đồ bắt chước Chúa ngay cả đến y phục, qua đó được nhìn nhận là môn đệ của Chúa. Mẹ Maria cũng chuẩn bị cho mỗi thánh Tông Đồ một thánh giá theo kích thước tầm vóc từng vị, để là nhân chứng cho giáo lý Chúa Kitô và cũng là niềm an ủi các ngài; các ngài có thể mang thánh giá theo khi đi đây đó rao giảng Phúc Âm. Mỗi thánh Tông Đồ đã giữ và đem thánh giá này theo cho tới khi chết. Vì các ngài hết sức lớn tiếng ca tụng Thánh Giá, một số bạo chúa đã dùng chính dụng cụ này để hành hạ các ngài tới chết.

 Thêm nữa, Đức Hiền Mẫu cung cấp cho mỗi thánh Tông Đồ một gói hành trang nhỏ, trong đó có chiếc gai lấy từ mão gai của Thiên Chúa Con Mẹ, một vài mẩu vải cắt từ các khăn Mẹ đã bọc Chúa Cứu Thế Sơ Sinh, từ các tấm khăn Mẹ đã lau Máu cực châu báu Chúa đổ ra trong Nghi Lễ Cắt Bì và Khổ Hình Cứu Chuộc. Để uỷ thác các thánh tích đó cho các thánh Tông Đồ, Mẹ Maria mời tất cả các thánh Tông Đồ tới, nói với các ngài về những thánh tích Mẹ muốn tặng các ngài như kho tàng quí báu trước khi các ngài lên đường. Kế đến, Mẹ trao các thánh tích cho từng Tông Đồ; các ngài hết sức xúc động vui mừng đón nhận, cảm tạ Đức Hiền Mẫu vì các ưu ái này và phủ phục thờ lạy các thánh tích. Các thánh Tông Đồ đem theo mình những thánh tích kỷ niệm sinh động của Thiên Chúa Con Mẹ, bảo chứng chắc chắn Chúa ban cho các ngài là con và là thừa tác của Đấng Tối Cao. Sau đó, các thánh Tông Đồ lưu luyến từ biệt nhau lên đường khởi đầu sứ mệnh Tông Đồ.

 LỜI MẸ MARIA

 

 Con của Mẹ, từ những bài học trong chương này, Mẹ muốn con, với lòng phiền sầu sâu xa nhất, nếu có thể, với huyết lệ, khóc than sự khác biệt giữa sinh hoạt Giáo Hội ngày nay và thời kỳ đầu. Sự thánh thiện tinh ròng của Giáo Hội đã bị làm lu mờ (Thren 4:1), vẻ đẹp nguyên thủy mà các thánh Tông Đồ gầy dựng trong Giáo Hội đã bị mất, Giáo Hội ngày nay tìm kiếm những hào nhoáng, những lớp sơn ngoại lai giả tạo để che phủ tính chất xấu xa đồi bại lệch lạc kinh khủng.

 Để con có thể hiểu rõ sự thực này, chính con phải canh tân suy gẫm việc Thiên Chúa tha thiết tìm kiếm thông ban lòng nhân từ và sự trọn lành cho nhân loại. Sức mạnh của dòng sông lòng nhân từ của Thiên Chúa chảy tới cho nhân loại vô cùng mãnh liệt, mà chỉ có ý tự do của loài người mới có thể ngăn cản được sức mãnh liệt dòng tình thương đó. Thiên Chúa ban cho nhân loại ý chí tự do để họ lãnh nhận được lợi lộc từ tình thương vô cùng của Ngài. Nhưng qua ý chí tự do này, loài người tự ý chống lại ảnh hưởng và sức mạnh tình thương của Thiên Chúa, họ xúc phạm và làm đau đớn tình thương này ngay từ chính nguồn. Nếu loài người không cản trở mà để cho dòng tình thương của Chúa hoạt động, các linh hồn hẳn được sung mãn nhờ việc thông phần bản tính Chúa. Tình thương của Chúa nâng người ngã từ bụi đất lên, làm cho con cái khốn khổ của Adong được sung túc, đưa họ lên cao khỏi những thống khổ, đặt họ giữa hàng vương tước vinh hiển của Chúa (1 Vua 1:8). Con của Mẹ, từ điều này con sẽ hiểu hai điều mà sự khôn ngoan loài người không thể biết:

 

 Thứ nhất: Thiên Chúa hết sức hài lòng vì việc phụng sự của những người nhiệt thành khao khát vinh danh Ngài. Những người đó hiến dâng mọi vất vả, khao khát gỡ bỏ các chướng ngại cản trở việc thông ban các ân sủng do lòng ưu ái của Chúa. Vì thế nhiệm vụ các giám mục, linh mục và nhà giảng thuyết lời Chúa được ca tụng cách đặc biệt. Các vị này kế tục các thánh Tông Đồ, những người gầy dựng Giáo Hội, đã vất vả lao khổ bảo vệ và phát triển Giáo Hội. Tất cả các vị kế tục các thánh Tông Đồ phải là những người cộng tác và tác động tình thương vô cùng của Thiên Chúa nơi các linh hồn.

 Thứ hai: Con phải cân nhắc suy xét các hồng ân bao la và lòng ưu ái vô bờ, mà Thiên Chúa quyền năng vô cùng thông ban cho những linh hồn không cản trở tình thương vô cùng của Ngài. Ngay từ những ngày khởi đầu Giáo Hội, Chúa cho thấy rõ chân lý này bằng những việc lạ lùng, thường gởi Chúa Thánh Thần đến dưới hình thức hữu hình, làm phép lạ nơi những người chấp nhận Kinh Tin Kính, và ban muôn vàn ân sủng huyền nhiệm khác trên các tín hữu.